Tin tức

Tích hợp sẵn RAM DDR5 trên CPU cho laptop, Intel giờ mới 'học theo' điều Apple từng làm với chip M1 từ 3 năm trước

Việc tích hợp sẵn bộ nhớ RAM với CPU mang lại một số lợi ích lớn, bao gồm tăng hiệu suất, giúp laptop trở nên mỏng nhẹ hơn, đồng thời cho phép thiết bị có thêm nhiều không gian để tăng dung lượng pin.

 
 

Intel mới đây đã công bố một loạt bài viết và video đi sâu vào hành trình phát triển các giải pháp đóng gói phức tạp hơn cho các sản phẩm hiện tại và sắp ra mắt của tập đoàn này. Trong số các thiết bị nổi bật có Granite Rapids, Sierra Forest và Ponte Vecchio, vốn đều là những con chip được coi là 'át chủ bài' của Intel trong mảng máy chủ và trung tâm dữ liệu.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của buổi giới thiệu lại đến từ dòng chip thế hệ thứ 14 Meteor Lake. Đây sẽ là CPU dạng tấm (CPU được ghép thành từ các tile) đầu tiên của công ty sử dụng tiến trình hoàn toàn mới được gọi là Intel 4, hay trước đây vẫn thường được xem như tiến trình 7nm.

Với việc giới thiệu Meteor Lake, Intel đang thoát khỏi thiết kế chip nguyên khối thông thường dành cho phân khúc khách hàng phổ thông. Thay vào đó, Intel sử dụng kiểu thiết kế 'kiến trúc ô linh hoạt', vốn được coi là ưu điểm của công nghệ đóng gói chip mới mang tên Foveros khi tách CPU, GPU và SOC thành các ô riêng biệt.

Tích hợp sẵn RAM DDR5 trên CPU cho laptop, Intel giờ mới 'học theo' điều Apple từng làm với chip M1 từ 3 năm trước - Ảnh 1.

Meteor Lake là dòng CPU dạng tấm (CPU được ghép thành từ các tile) đầu tiên của Intel sử dụng tiến trình hoàn toàn mới được gọi là Intel 4, hay trước đây vẫn thường được xem như tiến trình 7nm

Tích hợp bộ nhớ ngay trên CPU, giúp tăng hiệu năng hệ thống

Về cơ bản, công nghệ đóng gói chip mới sẽ kết hợp nhiều loại chip trong một gói hoàn chỉnh để gia tăng sức mạnh xử lý và giảm tiêu thụ năng lượng. Trước đây, công nghệ đóng gói chip không được coi trọng như việc sản xuất chip, nhưng khi cuộc đua thu nhỏ hơn nữa bóng bán dẫn đang ngày càng khó khăn hơn – công nghệ đóng gói chip đã nổi lên như một lĩnh vực quan trọng của mỗi con chip.

Bản thân công nghệ đóng gói chip mới này cũng cho phép Intel nghiên cứu khả năng tích hợp bộ nhớ LPDDR5X của Samsung trực tiếp vào con chip. Cụ thể, bộ nhớ tích hợp này sẽ có thông số kỹ thuật 16GB LPDDR5X-7500, mang lại băng thông tiềm năng lên tới 120 GB/s. Thông số băng thông nói trên mang tới hiệu năng vượt trội hơn nhiều so với các hệ thống trang bị RAM DDR5-5200 hoặc LPDDR5-6400. 

Tất nhiên, những ứng dụng này sẽ được Intel áp dụng trước tiên trên các con chip dành cho thiết bị di động. Việc tích hợp sẵn bộ nhớ RAM với CPU mang lại một số lợi ích lớn, bao gồm tăng hiệu suất, giúp laptop trở nên mỏng nhẹ hơn. Đồng thời, việc không cần phải lắp các thanh RAM riêng biệt trên khe cắm của mainboard sẽ mang lại nhiều không gian trống hơn cho máy, vốn có thể tận dụng để trang bị viên pin có dung lượng lớn hơn.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng có những nhược điểm: Nếu một chip nhớ bị lỗi, toàn bộ hệ thống cũng bị lỗi theo. Tương tự, người dùng sẽ không thể nâng cấp cấu hình của laptop, khi các linh kiện đã được 'hàn cứng' lại. Cuối cùng, việc làm mát cả CPU và bộ nhớ đòi hỏi một hệ thống tản nhiệt phức tạp hơn.

Đáng chú ý, Intel không phải là cái tên tiên phong trong việc tích hợp bộ nhớ RAM vào CPU. Thay vào đó, Đội xanh (biệt danh của Intel) dường như đang lấy cảm hứng từ Apple trong thiết kế chip của mình.

Apple đã áp dụng giải pháp 'ghép' bộ nhớ RAM vào CPU được một thời gian với chip M1 và M2, khi đi kèm với bộ nhớ LPDDR tích hợp chạy ở tốc độ 6400 Mbps. Bản thân thiết kế chip M1 là một bước nhảy vọt về hiệu năng so với các sản phẩm CPU Intel của Apple. Nó cũng cho phép Táo khuyết loại bỏ hoàn toàn các con chip được sủa xuất bởi Intel khỏi dòng sản phẩm của mình.

 

Tích hợp sẵn RAM DDR5 trên CPU cho laptop, Intel giờ mới 'học theo' điều Apple từng làm với chip M1 từ 3 năm trước - Ảnh 2.

Kiểu thiết kế chip M1 và M2 của Apple có thể coi là 'niềm cảm hứng' để Intel áp dụng lên các dòng CPU mới của mình


 

Tất nhiên, điều này không cho thấy Intel đi sau về mặt công nghệ. Bản thân công ty này đã tích hợp DRAM với CPU mang nhãn hiệu Atom dành cho máy tính bảng và máy tính xách tay siêu mỏng trong nhiều năm. Gần đây nhất Intel thậm chí còn sử dụng DRAM tích hợp với CPU lai đầu tiên có tên Lakefield.

Cũng phải nói thêm, vẫn chưa rõ các hãng sản xuất laptop có thực sự hứng thú với giải pháp tích hợp RAM LPDDR5X trên CPU Meteor Lake của Intel hay không. Mặc dù điều này giúp đơn giản hóa việc sản xuất và cho phép các hãng tạo ra những chiếc máy tính xách tay mỏng hơn, nó cũng làm giảm tính linh hoạt trong việc tùy biến cấu hình theo nhu cầu người dùng.

Bên cạnh đó, giải pháp trên cũng 'vô tình' làm giảm số lượng bộ nhớ mà các hãng sản xuất laptop đặt mua từ các nhà cung cấp DRAM, chẳng hạn như Samsung. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đòn bẩy của các hãng trong việc đàm phán giá DRAM.

Về dòng CPU Meteor Lake, theo một báo cáo mới từ truyền thông Nhật Bản, Intel có thể tạo ra khoảng 365.000 CPU dùng kiến trúc này mỗi tháng. Con số này đươc cho là chỉ đủ để trang bị cho thị trường laptop chứ không đủ để dành cho các khách hàng dùng PC. Đây có thể là một trong các lý do chính khiến Intel quyết định dành riêng nền tảng Meteor Lake cho các thiết bị di động như laptop. Cho dù vậy, có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc được lý do tại sao Intel lại loại bỏ dòng CPU này trên desktop.

 

Tổng hợp